Khai mạc triển lãm: 13.05.2014 @6pm
Triển lãm mở tới 31.07.2014
Địa điểm: Sàn Art
3 Mê Linh, P19, Q Bình Thạnh
Tp Hồ Chí Minh

 

Mối quan hệ giữa tâm trí, cơ thể và môi trường tự nhiên là chủ đề xuyên suốt trong xưởng làm việc  của Lê Phi Long, Lại Thị Diệu Hà và Nguyễn Văn Đủ trong Phiên 4 của ‘Sàn Art Laboratory’. Chiêm niệm về mối quan hệ mong manh này thể hiện rõ trong các bức ảnh của Nguyễn Văn Đủ, chụp trong những chuyến thăm thường xuyên của anh đến một lò mổ ở ngoại ô Sài Gòn. Trên sàn studio vương vãi sơn dầu của mình, những tấm ảnh được ghim lại của những tảng thịt động vật bị xẻ toang ra  nằm giữa những bản sao màu của các tranh vẽ cảnh tương tự về cái chết của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Francesco de Goya hoặc Francis Bacon. Nghiên cứu của Phi Long về lịch sử Sài Gòn và những con cá sấu đã từng tràn ngập vùng trũng lầy xưa đó được trút ra trên sàn nhà như thể chúng đang chui ra từ các bức tường xưởng; trên bàn, ảnh chụp trải khắp còn Phi Long thử nghiệm với cơ thể của mình như thể chính nó là một sự hiện hữu có nguy cơ tuyệt chủng trong khối ô nhiễm của một khu bảo tồn thiên nhiên địa phương mang tên Cần Giờ. Trong khi đó Diệu Hà thiết lập xưởng của mình như một văn phòng bác sĩ với những hình ảnh khoa học về hoạt động não người, bên cạnh các bức hoạ mô phỏng chính những hình ảnh đó trên kính và vải. Niềm đam mê của Hà với bộ não liên kết thể nghiệm của cô với phương pháp tâm kịch trị liệu, do vậy xưởng của Hà thường biến chuyển thành một nơi hao hao không gian xưng tội cho các bệnh nhân và các nhà khoa học đến thăm. Triển lãm thành quả này chỉ có thể trưng bày một phần nhỏ các nghiên cứu sâu rộng và thể nghiệm của ba nghệ sĩ trong sáu tháng qua.

Trong thời gian đó, Nguyễn Văn Đủ đã chuyển về ‘San Art Laboratory’ mỗi lần hàng chục ký thịt bò tươi. Anh nấu đãi mọi người nhiều món đậm tính địa phương, để rồi các cuộc thảo luận quanh bàn cùng các nghệ sĩ sẽ lại xoay về những câu hỏi về bạo lực trong sáng tác của Đủ. Trong khi hương vị thức ăn vẫn được thưởng thức dù có phần tréo ngoe, tranh luận xung quanh việc làm sao một hành động bạo lực có thể được vẽ với tính tức thời của kỹ thuật nhiếp ảnh thách thức sự chuyên tâm vào hội hoạ của Đủ. Anh tin rằng tranh vẽ là phương thức khởi đầu lịch sử nghệ thuật và do đó muốn điều khiển ngôn ngữ của nó như một công cụ để con người tư liệu hoá. Những bức tranh sơn dầu khổ lớn của anh, dày cộm những nhát sơn màu đỏ và hồng, cây cọ như con dao giết chóc, hé lộ sự kinh sợ kìm nén trong giết mổ. Những hoạt cảnh đó như nhắc nhở chúng ta, mỉa mai thay, rằng tất cả chúng ta đều dự phần vào các hệ quả của bạo lực đó hàng ngày.

Tiến thoái lưỡng nan giữa sự thi vị hoá bạo lực và cái cách mà nền văn hoá đương đại của chúng ta đã gần như khử bỏ khả năng cảm thông của chúng ta với nỗi đau và sự chịu đựng đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm trân trọng của bản thân ta đối với môi trường, xem thế giới tự nhiên như một cái gì đó có thể uốn bẻ, rằng chúng ta có thể kiểm soát nó. Với Lê Phi Long, hành động tàn phá đất đai và di dời đột ngột các cộng đồng tổ tiên truyền nối để nhường chỗ cho tiến trình phát triển kinh tế – xã hội được quan tâm đặc biệt. Năm 1978, rất nhiều gia đình được chuyển nơi ở đến rừng Sác – Cần Giờ từ tỉnh Bến Tre và các vùng lân cận theo chính sách phát triển nông thôn của chính phủ sau chiến tranh, khuyến khích nông dân đem hạt cây đước từ đồng bằng sông Mekong đến Cần Giờ để thiết lập khu nông nghiệp mới. Long dành nhiều thời gian trong quá trình lưu trú của mình với các gia đình ở lại mưu sinh trong khu bảo tồn thiên nhiên UNESCO mà hiện nay ít khách du lịch thực sự trân trọng. Các sáng tác của Long sau đó đặt trọng tâm vào cách sử dụng vật liệu, trong đó kim loại được đúc ráp vào gỗ như thể kim loại đóng vai trò một sơ cứu ban đầu băng lại vết thương do con người gây ra, để rồi cuối cùng ngốn trọn phần gỗ còn lại. Làm việc với điêu khắc, nhiếp ảnh, trình diễn và vẽ, thực hành của anh khôn khéo đề cập đến tổn thương của xã hội công nghiệp hóa nơi sự chi phối của hệ thống tài chính là tối cao cùng với các hệ quả xã hội và tự nhiên không thể hồi phục.

Hiểu rõ khởi sinh và những ảnh hưởng của tổn thương tâm lý cũng là trọng tâm trong nghệ thuật của Lại Thị Diệu Hà, mặc dù ở đây những băn khoăn của cô neo vào thế giới phi vật thể của tâm lý học. Diệu Hà nghiên cứu sâu sự phân loại khoa học, phương pháp luận và điều trị trầm cảm và mặc cảm tội lỗi vốn thường là hệ quả của những tình huống xã hội đặc biệt. Diệu Hà đặt câu hỏi liệu nỗi khổ là do gen của con người hay hoàn cảnh xã hội định đoạt, thông qua nghiên cứu cùng các chuyên gia chuyên ngành và bệnh nhân của họ, sử dụng các hình thức sân khấu, đạo cụ và lối kịch hoá “bản thân” vốn là phương pháp cố hữu của tâm kịch trị liệu. Hà đẩy thực hành trình diễn của cô tiến thêm một bước bằng cách bày ra những hình ảnh trực quan từ trải nghiệm nội tâm của chính cô trong quá trình quan sát và tham gia vào giai đoạn đó: một sắp đặt điêu khắc quy mô lớn của bộ não như một cỗ máy bao bọc cả thảy, video tài liệu các cuộc phỏng vấn với những nghệ sĩ khách mời, các bệnh nhân và các nhà khoa học cùng chất vấn các khái niệm của tâm lý học và các phương pháp điều trị khác nhau cho các chứng bệnh liên quan.

Tiểu luận của Zoe Butt, Curator và Giám đốc Điều hành, Sàn Art