Nhựa Cây Vẫn Chảy

Triển lãm đôi của Freddy Nadolny Poustochkine và Trương Công Tùng

Khai mạc triển lãm: 24.04.2019 @19:00
Thời gian triển lãm: 24.04.2019 — 24.06.2019
Địa điểm: Sàn Art
Toà nhà Millennium Masteri
Phòng B6.16 & B6.17
132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4,
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
(vào từ cổng Nguyễn Hữu Hào)

 

Xin mời xem tiểu-vựng-tập về bộ tác phẩm của Trương Công Tùng, gồm hình ảnh và bài viết, tại đây.
Poster của nghệ sĩ Freddy Nadolny Poustochkine cho triển lãm Nhựa Cây Vẫn Chảy có thể được xem tại đây.

 

Triển lãm Nhựa Cây Vẫn Chảy, do Sàn Art và Viện Pháp tại Việt Nam đồng tổ chức, là nơi gặp gỡ giữa thi học cá nhân của hai nghệ sĩ Freddy Nadolny Poustochkine và Trương Công Tùng.

Freddy Nadolny Poustochkine, họa sĩ truyện tranh và nghệ sĩ cộng tác của nhóm Art Labor, giới thiệu chuỗi phác thảo màu bột và nhật ký dạng video ghi lại ký ức mật thiết với những chùm đô thị tràn lan, cảnh quan gợi cảm và khuôn mặt vô danh mà nghệ sĩ băng qua sau nhiều dịp thăm Sài Gòn và Buôn Ma Thuột. Poustochkine đã ấp ủ chùm tác phẩm du ký này trong nhiều năm từng sống tại Việt Nam và gần đây nhất, trong kỳ lưu trú sáng tác ở Villa Saigon.

Trương Công Tùng, trong một đối-thoại-mơ siêu hình với Poustochkine, gửi vào không gian bộ tác phẩm sắp đặt sử dụng nhiều phương tiện lạ quen, từ những sinh vật được dịu dàng tiếp đoạt hoặc lưu trữ—một rễ cây cháy khô, một tràng hạt gỗ, một khúc phim ẩn hiện côn trùng bay—đến ghi chép dân tộc ký về tín ngưỡng bản địa vùng Tây Nguyên. Nhẫn nại sưu tầm, linh hoạt mày mò với chất liệu tìm thấy, nghệ sĩ đối diện với chủ nghĩa khai thác và thực tế mong manh dọc chuỗi rừng cao nguyên đang vỡ, và nhìn từ chiều kích không-thời giãn mở hơn, khắp những mạch rãnh lịch sử (tân) thuộc địa trong bối cảnh Việt.

Ý niệm dự án Nhựa Cây Vẫn Chảy bắt nguồn từ hình ảnh cây thông bị đốn hạ ở vùng Cévennes (Pháp), một tình huống Poustochkine tình cờ thấy như cộng hưởng duyên cớ với loạt cây cao su rớt giá bị chặt đốt ở Tây Nguyên, hiện tượng xoay vòng ở Gia Lai anh biết đến qua thực hành lưu nhặt và hoá xác cây thành tác phẩm của Trương Công Tùng. Rừng thẳng đứng chuyển dạng thành thân nằm trên đất, nhưng nhựa cây, mang hồn vía, hay “soan”[1], của cây, vẫn thấm tràn khí quyển, lần này, dưới vỏ bọc của sáng tác và hành vi sắp đặt trong không gian triển lãm, một bộ máy trung chuyển cách biệt khỏi địa hình sơn lâm cùng cốc nơi hai nghệ sĩ lần đầu chứng kiến cảnh tượng bật rễ của riêng mình.

[1] Vũ trụ học xung quanh “soan” (hồn) được trích từ cuốn sách Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương, một nghiên cứu của Jacques Dournes, nhà truyền giáo kiêm nhà dân tộc học được dịch rộng rãi ở Việt Nam. Dournes đã dành chương cuối của sách, “Linh hồn và các giấc mộng,” để thảo luận về các truyền thuyết, chuyện kể về thế giới quan của người Tây Nguyên. Cuốn sách được Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Miền Đất Huyền Ảo.”

 

Tiểu sử Nghệ sĩ

Freddy Nadolny Poustochkine
Tác giả truyện tranh Freddy Nadolny Poustochkine đã gắn bó với Việt Nam từ năm 2002. Sau khi tốt nghiệp École Supérieure des Arts Décoratifs ở Strasbourg (Pháp), anh đã ra một loạt truyện tranh với nhà xuất bản Ego comme x và Futuropolis. Năm 2011, anh được Centre National du Livre tài trợ để dành một năm ở Việt Nam, một trải nghiệm sâu sắc anh đã chuyển thành tác phẩm Sổ/Nhật Ký, một mạch tự sự đóng vai trung tâm cho nhiều dự án khác nhau từ truyện tranh đến sắp đặt tranh và video.

Freddy là một trong những nghệ sĩ của chương trình cư trú Villa Saigon 2019. Truyện tranh của anh gồm Balzac và cô thợ may nhỏ người Trung Quốc (2017), Ngọn đồi độc (2010) và Xác táo (2006). Anh cũng từng hợp tác với nhà làm phim người Việt Trương Minh Quý trong các bộ phim như Ai đó đang đi vào rừng (2013), Sao Hỏa nơi đáy giếng (2014) và Thành phố những tấm gương (2016), và với nhà làm phim Christelle Lheureux chop him Water Buffalo (2007) và The earth leans (2015). Các triển lãm đã tham gia gồm Photophobia, triển lãm nhóm về các tác phẩm điện ảnh của Apichatpong Weerasethakul, tại bảo tàng Stenersen ở Oslo và Phòng trưng bày KCUA ở Kyoto (2013), Phòng Vàng trong liên hoan Esperantopolis ở Thành phố Hồ Chí Minh (2011), và Thế hệ Tự phát, triển lãm nhóm tại Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême (2010).

*

Trương Công Tùng 
Sinh năm 1986, Trương Công Tùng lớn lên ở Đăk Lăk, giữa nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Việt Nam. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hồ Chí Minh năm 2010, chuyên ngành sơn mài. Với quan tâm nghiên cứu về khoa học, vũ trụ học và triết học, Trương Công Tùng thực hành đa phương tiện với video, sắp đặt, hội hoạ và vật phẩm (found objects), phản ánh suy nghĩ và băn khoăn cá nhân về những biến thiên văn hoá và địa chính trị trong tiến trình hiện đại hóa, thường nằm ẩn trong thay đổi của hệ sinh thái, niềm tin hay thần thoại của một miền đất. Anh cũng là thành viên của nhóm Art Labor (thành lập năm 2012), một collective làm việc giữa nghệ thuật thị giác và khoa học xã hội/đời sống nhằm tạo kiến thức thay thế và phi chính thống qua hoạt động nghệ thuật-văn hóa trong những bối cảnh công cộng và địa phương đa dạng.

Trương Công Tùng đã triển lãm rộng rãi ở Việt Nam và quốc tế với tư cách cá nhân cũng như tham gia triển lãm nhóm cùng Art Labor Collective. Một số triển lãm gần đây bao gồm Bangkok Biennale (2018), “Between Fragmentation and Wholeness” (“Giữa Phân Mảnh và Toàn Thể”) tại Galerie Quỳnh, Thành phố Hồ Chí Minh (2018), “A Beast, a God, and a Line” (“Một Thú, Một Thánh, Một Đường Kẻ”) tại Para Site, Hong Kong (2018) và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại, Warsaw (2018), Dhaka Art Summit, tại Dhaka (2018), Carnegie International phiên bản thứ 57 tại Bảo tàng nghệ thuật Carnegie (2018), Hội chợ nghệ thuật Cosmopolis tại Trung tâm Pompidou, Paris (2017), “Soil and Stones, Souls and Songs” (“Đất và Đá, Hồn và Khúc Điệu”) tại Para Site, Hong Kong (2017) và Kadist, San Francisco (2016), “Across the Forest” (Bên Kia Rừng Rậm)—một sắp đặt cho dự án Những Chân Trời Có Người Bay 3 tại Nhà sàn Collective, Hà Nội (2016) và “Gestures and Archives of the Present, Genealogies of the Future” (“Hành vi và Lưu trữ Hiện tại, Gia phả Tương lai”) tại Taipei Biennial, Đài Loan (2016).

*

Văn bản Triển lãm: Nguyễn Hoàng Quyên
Tư liệu phim: Trương Minh QuýHoàng Lê
(Tư liệu phim được Freddy Nadolny Poustochkine sử dụng trong một tác phẩm video, với sự cho phép của người làm phim và quay phim.)

Freddy Nadolny Poustochkine đã sản xuất tác phẩm trong 2 tháng lưu trú sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong chương trình Villa Saigon của Viện Pháp Việt Nam.

ĐỒNG TỔ CHỨC TRIỂN LÃM