Nỗi nhớ dội về. Dồn kí ức ngược.

Khai mạc triển lãm: 26.07.2013 @18:00
Triển lãm mở tới: 05.09.2013
Địa điểm: Sàn Art
3 Mê Linh, quận Binh Thanh,
tp Hồ Chí Minh, Việt Nam

‘Mọi nhánh lìa cành đều để lại một câu chuyện
Mỗi con người chỉ là một vốc bụi’

Trích đoạn trong đoản thơ của BT Shaw, đối ứng với tác phẩm ‘Bài ca ra trận’ của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trinh Thi, có thể xem như một lời gợi mở cho ‘Nỗi nhớ dội về. Dồn ký ức ngược’. Triển lãm được tổ chức tại Sàn Art, Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 25 tháng 7 tới ngày 5 tháng 9 năm 2013.

Hoài niệm – Nỗi nhớ là một khái niệm trong tâm lý học xã hội, khi họ mơ tưởng tới quê nhà hay ký ức trong quá khứ. Kể từ thế kỉ mười chín tới ngày nay, các chẩn đoán về thói hoài niệm thay đổi mạnh mẽ: đi từ quan niệm rối loạn thần kinh, bệnh trầm cảm, đến khả năng lợi dụng sự nhung nhớ hoài cổ làm liệu pháp chữa bệnh . Đối với các nhà khoa học xã hội như nhân học, lịch sử và các nghệ sĩ thì thói hoài niệm lại là một thuật ngữ đầy tranh luận, đồng thời gây cảm hứng cho nhiều nghiên cứu và sáng tác. Hoài niệm xảy ra khi khi hiện tại không được thoả mãn, được mô tả như nỗi niềm nhung nhớ được cá nhân hoá – kịch tính hoá – lãng mạn hoá – che phủ. Từ trong tiềm thức, những biến tính này tiếp cận lịch sử và làm mờ sự thật thuộc về quá khứ. Khi một cộng đồng bao gồm những cá nhân mang nỗi hoài niệm như vậy, nó khiến cho đám đông không muốn sống trong thực tại, dẫn tới chối bỏ tương lai. Niềm hoài cổ – mong nhớ quá khứ đó trở thành một hiện tượng đám đông, bề ngoài tưởng chừng vô hại như một cuốn tiểu thuyết diễm tình. Nhưng thực sự, như một phản ứng phụ, nỗi hoài cổ chuyển mình thành thứ hàng hoá thương mại, khi văn hoá thời quá khứ được thần tượng hoá, chẳng hạn nội thất giả cổ hay lựa chọn phong cách sống kiểu ngày xưa, như biến nhà villa thuộc địa cũ thành hàng quán tân kì.

‘Nỗi nhớ dội về. Dồn ký ức ngược’ là một triển lãm độc đáo, đưa người xem vào một không gian mà ranh giới giữa kí ức và thực tại bị xao động. Triển lãm bao gồm ba tác phẩm video art của ba nghệ sĩ: Phạm Ngọc Lân, John Monteith và Nguyễn Trinh Thi; lồng vào đó là những bài thơ đối ứng của BT Shaw và bản dịch tiếng Việt của Hồ Liễu. Trong đó, chiều thời gian đi từ quá khứ tới thực tại không còn là đường thẳng tuyệt đối. Tâm lý đám đông về những giá trị quá khứ, vẻ đẹp cổ điển, lý tưởng ‘vô điều kiện’ từ lịch sử sẽ bị thử thách bởi những ‘ký ức ngược’ – ký ức của từng cá nhân: của người nghệ sĩ thị giác, của nhà thơ và của chính từng khán giả. Về mặt hình thức, ba nghệ sĩ đều khai thác mối cộng hưởng giữa hình và tiếng trong tác phẩm video art. Về mặt ý niệm, ba tác phẩm cùng phản ánh những tương quan và khác biệt của giá trị lịch sử qua nhiều thời điểm khác nhau.

Phạm Ngọc Lân là một nghệ sĩ trẻ tuổi sinh năm 1986, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Tốt nghiệp ngành quy hoạch đô thị tại trường Đại học kiến trúc Hà Nội, Lân có cái nhìn về lịch sử, xã hội, tương quan đám đông và cá nhân . Cái nhìn đó phản ánh rõ nét trong tác phẩm ‘Chuyện mọi nhà’ (2011) của anh, với chuỗi hình ảnh điển hình của một Hà Nội vừa cổ điển vừa xô bồ trong thời kì chuyển dịch giữa quá khứ tới tương lai, trên nền tiếng loa phát thanh từ đài tiếng nói trung ương.

John Monteith, nghệ sĩ thị giác người Canada sinh năm 1973, hiện sống và làm việc giữa New York, Berlin và Toronto. Trong ‘Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 5 tháng 6 101 (2012) 5:00 – 5:06:48 sáng’ (2012), được thực hiện tại Bắc Triều Tiên, tác phẩm dẫn người xem tới một không gian tĩnh lặng, yên bình của buổi sớm mai ở Bình Nhưỡng. Khi ánh nắng lên dần và màn sương tan đi, cảnh tượng vắng vẻ trở nên kì lạ bởi sự hoang tàn và lạnh lẽo. Văng vẳng từ xa là tiếng nhạc bài hát ca ngợi sức mạnh của tư tưởng Chủ Thể của toàn dân Triều Tiên và các lãnh tụ đã mất.

Nguyễn Trinh Thi, nhà làm phim tài liệu và nghệ sĩ thị giác sinh năm 1973, đến từ Hà Nội, mang lại một luồng gió lùa vào quá khứ với tác phẩm ‘Bài ca ra trận’ (2011). Dựng lại nhiều phân cảnh trong bộ phim nhựa kinh điển về chiến tranh cùng tên vào năm 1973, và lồng bản nhạc trong vở ba lê cổ điển ‘Nghi lễ mùa xuân’ của Stravinsky, tác phẩm video art của Trinh Thi sử dụng cách thức nghệ thuật chuyển dụng. Qua đó, chị diễn giải những khung hình lãng mạn, êm ái của bộ phim trở thành màn nhạc kịch dồn dập, nín thở, khiến cho thực tại trở nên khác biệt với bản gốc.

Nhà thơ BT Shaw, người sáng tác thơ đối ứng với ba tác phẩm, là một nhà thơ đến từ Mỹ, và hiện chuyển tới sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tập thơ This Dirty Little Heart của cô thắng giải Blue Lynx Poetry Prize vào năm 2007. Những bài thơ trong triển lãm lần này của BT Shaw được chuyển ngữ bởi Hồ Liễu – một dịch giả trẻ tuổi chuyên làm việc với các tác phẩm chủ đề nữ quyền.

‘Nỗi nhớ dội về. Dồn ký ức ngược’ được lên ý tưởng và thực hiện bởi Arlette Quỳnh-Anh Trần, Assistant Curator, Sàn Art.