Sàn Art Studio là một chương trình lưu trú kéo dài sáu tuần, ra mắt vào tháng 4 năm 2022, nhằm hỗ trợ việc thực hành nghệ thuật trong bối cảnh hậu Covid. Sàn Art Studio được thực hiện với sự hỗ trợ từ Hội đồng Anh Việt Nam thông qua Trung tâm Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam (CHV), phối hợp với VICAS.
Nguyễn Linh Chi là nghệ sĩ đầu tiên trong chương trình của chúng tôi, một nghệ sĩ thị giác & nhà thiết kế đến từ Hà Nội, Việt Nam. Với kiến thức nền tảng về Truyền thông Hình ảnh – Minh họa, cô vừa thực hành nghệ thuật, vừa thực hiện các dự án thiết kế sử dụng phương tiện hỗn hợp. Trong thời gian lưu trú ở Sàn Art, Chi nghiên cứu sự phát triển văn hóa và lịch sử của nghệ thuật tranh gương kính ở miền Nam Việt Nam để hiểu hơn tính vật chất của phương tiện này, và tiềm năng của nó trong việc phát triển những đề tài mà cô đã quan tâm trước đây: biến gương kính từ bề mặt phản chiếu đơn thuần sang một phương thức nhìn mang tính chỉ trích, phản xạ và đa chiều.
Nghiên cứu của Chi bao gồm: thăm các nghệ nhân địa phương quanh Chợ Lớn và các địa điểm làm tranh gương ở Bình Dương và Long An; trao đổi với các nhà nghiên cứu và sưu tầm văn hóa về các hình thức và hình tượng thờ cúng khác nhau, và ý nghĩa văn hóa phát sinh từ hình thái nghệ thuật này. Trong bối cảnh lớn hơn, những không gian như sân khấu cải lương và bàn thờ gia đình, nơi những bức tranh gương kính được sử dụng như một phần của phong cảnh diễn xuất, trở thành hai luồng nghiên cứu song song cho Chi. Phương diện không gian này vừa trùng khớp với ý định ban đầu của cô – nghiên cứu các câu chuyện dân gian, tín ngưỡng thờ, các họa tiết và ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày – đồng thời mở ra những lối đi mới tác phẩm cuối cùng của cô, bao gồm cả sắp đặt, trình diễn và nghệ thuật thị giác. Đâu là những phương thức nhìn một thực thể huyền bí? Sự biểu diễn trong các nghi lễ thờ gia thần, thờ tổ tiên có giống như một nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu? Đây là những câu hỏi mà Chi muốn trả lời khi cô tiếp tục theo đuổi dự án sau khi thời gian cư trú kết thúc.
Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu, Chi còn thử nghiệm kỹ thuật vẽ tranh kính ngược và làm việc cùng một nghệ nhân địa phương để cho ra một vài nguyên mẫu thử nghiệm. Cô cũng mời Nguyễn Đức Huy – một nhà sưu tập và bảo tồn tranh gương nổi tiếng – đến Sàn Art để trò chuyện về nguồn gốc lịch sử và sự phát triển của loại hình nghệ thuật này.