Hình tượng thị giác trong nghệ thuật, Nhân học và các khoa học khác – P1
Khai mạc triển lãm: 09.12.2013 @14:00
Địa điểm: ĐH Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn
Cơ sở Linh Trung, Q. Thủ Đức
TP. HCM
Trong ngành Lịch sử nghệ thuật, Biểu tượng luận (Symbolism) được tìm hiểu sâu về ý nghĩa, nguồn gốc và văn cảnh của các biểu tượng, hay hình ảnh được khắc hoạ trên bề mặt tác phẩm nghệ thuật. Phương pháp nghiên cứu này được gọi là Iconography – Phép mô tả hình tượng, tức là khi biểu tượng ‘symbol’ đã trở thành một hình tượng ‘icon’, mà ban đầu, chủ yếu chú trọng vào các hình tượng trong tôn giáo. Trong khi Lịch sử nghệ thuật là một ngành non trẻ so với các khoa học nhân văn khác, thì bộ môn Hình tượng học còn mới mẻ hơn, chỉ ra đời và được phân tích một cách có hệ thống từ nửa đầu thế kỉ 20, do nhà lịch sử nghệ thuật người Đức Erwin Panofsky phát triển. Nhận diện được được hình tượng trong tác phẩm là bước đầu, giải nghĩa chúng nhằm hiểu được tác phẩm là bước tiếp theo quan trọng hơn, mà trong Lịch sử nghệ thuật gọi là Iconology – Nghiên cứu hình tượng.
Bài nói chuyện sẽ trình bày về sự ra đời và phương pháp phân tích của ‘Nghiên cứu hình tượng’, đa phần lấy học thuyết của Erwin Panofsky làm căn bản. Để minh hoạ cho phương pháp, các dẫn chứng từ nghệ thuật sẽ được đưa ra. Trong đó, các ví dụ đầu tiên sẽ là nghệ thuật phục vụ cho tôn giáo, tiếp theo là giới quý tộc – Hoàng gia rồi thương nhân. Cuối cùng, bài nói chuyện sẽ kết thúc bằng các khủng hoảng và bước chuyển tiếp cần thiết của ‘Nghiên cứu hình tượng’ trong nghệ thuật đương đại, khi nghệ thuật không còn sử dụng nhằm tôn thờ sức mạnh hay nhân tố nào, mà nghệ thuật là phương tiện sáng tạo cấp tiến nhất của người nghệ sĩ thị giác.
_____ _
Workshop này thuộc triển lãm ‘Niềm tin không điều kiện’, là dự án được mời tham dự Kích/Nghĩ thuộc dự án liên ngành mang tên ‘Nhận thức Thực tại’ do Mạng lưới Quỹ Hoàng Tử Claus với Sàn Art tài trợ.