Khai mạc triển lãm: 28.07.2011 @18:00
Triển lãm mở tới 08.09.2011
Địa điểm: Sàn Art
3 Mê Linh, quận Bình Thạnh,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
Tranh vẽ trên giấy với mực, màu nước, chì, than hay nhiều chất liệu khác nữa không hẳn là xa lạ đối với Mỹ thuật Việt Nam, nhưng khi kể đến những những nghệ sĩ dày công theo đuổi và đều đặn sáng tác theo lối đó thì rất ít ỏi. Trên thế giới, nghệ thuật vẽ được tôn vinh và có cả vị trí quan trọng trong hệ thống bảo tàng với sự hỗ trợ của những bài viết của các chuyên gia về lịch sử và các vấn đề liên quan đến bộ môn này (như Trung tâm Drawing Center ở New York). Tuy nhiên, rất đáng buồn là tại Việt Nam, tranh vẽ bị xem là có vị thế và tiếng nói yếu ớt trong nghệ thuật tạo hình, như là tranh sơn dầu hay điêu khắc. Rất nhiều nghệ sĩ quốc tế như William Kentridge (Nam Phi), Qiu Anxiong (Trung Quốc), Eko Nugroho (Inđônêxia) có những tranh vẽ mang hình thức mới mẻ đã được triển lãm trên khắp thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, tranh vẽ bằng chì, than, bút trên giấy vẫn thường được nhìn nhận là ký họa, phác thảo ý tưởng, bản vẽ nét cho các tác phẩm chất liệu khác, do đó, cho dù tranh vẽ có đẹp và truyền tải những nét duyên dáng và sự đa nghĩa trong ý tưởng do những cảm xúc mạnh mẽ và tươi mới được thảo ra ngay trên giấy, chúng vẫn chỉ khiêm tốn tồn tại trong những góc khuất mỹ thuật.
Vì lý do đó, triển lãm ‘Họa một nét Hoa’ đã tập hợp các tác phẩm của những nghệ sĩ đang làm những công việc khác nhau như kiến trúc sư, hoạt họa viên, minh họa viên, thiết kế thời trang mang những kỹ thuật chuyên biệt và những ý nghĩa ẩn dụ vào trong tranh vẽ của họ.
Với Nguyễn Thị Bảo Ngọc, thiết kế thời trang là một đam mê đã trở nên gần như một bản năng. Theo cô, sự sáng tạo là vô tận, nhưng để kết hợp sự bay bổng của trí tưởng tượng và khả năng ứng dụng cần thiết của các bộ trang phục là điều không hẳn dễ dàng. Nhìn vào những mẫu áo vẽ tay của cô chúng ta có thể thấy sự mô tả đầy hình ảnh về công năng và cả tính cơ học của thời trang, trong đó, qua những nét vẽ chì, các chi tiết hiển hiện trên giấy như những mẫu phác thảo của một tác phẩm điêu khắc, hay thậm chí, đôi khi trông chúng như những bản thiết kế những cỗ máy thời Trung cổ.
Sita Raiter tham gia vào triển lãm với nền học vấn về kiến trúc và Đông Á học tại Mỹ, Sita ghi lại những thay đổi chóng mặt của đô thị tại TP Hồ Chí Minh với các nhân tố từ tạo vật của thiên nhiên. Với tác phẩm ‘Thống Nhất’ Sita Raiter bày tỏ tình cảm của mình đối với một địa điểm cô đặc biệt thích thú ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trên mặt tranh, cô vẽ những hoa lá, những đường nét kì lạ mà đẹp đẽ trong thiên nhiên, những con mắt côn trùng với cấu trúc tổ ong mà từ đó, cơ hồ như ngay từ thuở ban sơ chúng đã là nguồn cảm hứng và là mạch dẫn phát triển và hình thành của hệ thống các đô thị hiện đại.
Phan Ngọc Lan Chi vừa tốt nghiệp khoa đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Với loạt tác phẩm ‘Tuồng’, Lan Chi đốt đuốc tìm về những giá trị văn hóa mà rất nhiều thanh niên Việt Nam sẽ chẳng mấy hứng thú. Với phương tiện sáng tác cũng đòi hỏi rất nhiều sự tỉ mỉ và kỳ công là đồ họa, cô mang một làn hơi mới mẻ và nhiều thông tin của nghệ thuật Tuồng đến cho người xem. Qua chân dung người phụ nữ trong tranh của Lan Chi, một thế giới phụ nữ đương đại dường như đang khẽ hé bức bình phong che chắn những tâm tư và cuộc sống của họ vậy.
Cũng là một họa sĩ tốt nghiệp khoa đồ họa trường ĐH Mỹ thuật Tp. HCM, Nguyễn Đức Hồng Quang đã chọn cuộc sống thường nhật làm đề tài cho bài tốt nghiệp của mình trong năm 2007. Với một đề tài không mới là cuộc sống lao động và sinh hoạt của hàng ngày Hồng Quang dùng kỹ thuật in kẽm để vẽ lên câu chuyện về người đạp xích lô trong thành phố. Nguyễn Đức Hồng Quang mang vào tác phẩm góc quan sát như cuộn xoáy vào chủ thể, những góc tạt ngang mô tả nhân vật, những tia nhìn hướng đến từ trên cao kể cho người xem câu chuyện như một thước phim nhựa đầy lôi cuốn, bằng kỹ thuật đồ họa khúc chiết mạnh mẽ và đầy chiều sâu.
‘Tham gia’ triển lãm với tư cách là một nghệ sĩ lớn nhiều tên tuổi, Vũ Dân Tân mang sự phóng khoáng, trí tưởng tượng không tưởng, tư duy hóm hỉnh mà sâu sắc và tính cách hồn nhiên kì lạ của ông vào những thực hành nghệ thuật đương đại. Đây là một cuộc trưng bày rất đặc biệt các sáng tác của Vũ Dân Tân, khi mà lần triển lãm đầu tiên và cũng là duy nhất các tác phẩm của nghệ sĩ đã diễn ra tại Tp. HCM là năm 1992. Loạt tác phẩm “đồng đô Niu-Di-Lân” vừa mang tính châm biếm vừa thể hiện nét vẽ tay tài hoa và kỹ thuật đồ họa huyền ảo. Dựa trên ý niệm của tiền tệ, tác phẩm phản ánh 2 ý nghĩa trong ý tưởng của người nghệ sỹ: tính phi thương mại của nghệ thuật, và mặt khác là sự đảm bảo để tồn tại trong thế giới của thị trường. Qua đời năm 2009 tại Hà Nội, tính thời đại và đa nghĩa trong tác phẩm của Vũ Dân Tân dường như vẫn mang một sức nặng vô hình khơi nguồn cảm hứng và đối chiếu với những vấn đề và những tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đương đại. Sàn Art vinh dự mang các tác phẩm của ông trong bộ sưu tập của Post Vidai trưng bày cho công chúng.
Lê Thanh Tùng là nghệ sĩ, minh họa viên, hoạt họa viên gốc Hà Nội. Tùng thể hiện cá tính đặc biệt và sự năng động của mình vào những tranh vẽ đen trắng khổ lớn được biến đổi theo bề mặt nội thất sẵn có. Vẽ trực tiếp trên tường và biến những bìa cạc-tông thành thế giới 3 chiều, các bức vẽ của Tùng là những khát vọng vượt qua những khuôn mẫu những định kiến của xã hội, là những hoài bão và trăn trở của tuổi trẻ về cuộc sống và tương lai.
Cũng là một nghệ sĩ trẻ nhiều triển vọng ở Tp. HCM, Lê Hoàng Bích Phượng cho thấy sự tinh tế và kỳ công của tranh lụa Việt Nam với những ý nghĩa ẩn dụ đầy hình tượng về cái đẹp và giới tính. Những nhân vật trong tranh cô có dáng vẻ đặc biệt khác thường như bước ra từ một thế giới khác, cả về ngoại hình lẫn những biến động nội tâm. Chúng ta có thể thấy đường nét trong suốt và mờ ảo như những ký ức tuổi thơ của một đứa trẻ, hay cả những chi tiết sắc sảo, cường điệu và bạo liệt như trong truyện tranh Nhật Bản. Nhìn xuyên qua những nét vẽ và màu sắc trên bề mặt lụa ấy, người xem có thể thấy những trúc trắc tâm lý và suy nghĩ của một thiếu niên đang lớn, đó là những ngày dài một mình tìm hiểu thế giới, và diễn giải thế giới theo những cách thức riêng biệt.
Trong các tác phẩm của Sandrine Llouquet ta có thể thấy những trốn tìm, ẩn nấp, tàng hình và trong suốt, đó là những chủ đề thường thấy trong các tác phẩm của Sandrine. Thông qua những đường nét trang phục, mặt nạ và các lốt hóa trang khác nhau, các nhân vật nhìn như những con búp bê có hình dáng mà theo ngôn ngữ truyện tranh là hung dữ và mang điềm gở, cô dùng chúng để viết nên những câu chuyện về muôn mặt cuộc sống hằng ngày