Trên trời, dưới biển

Khai mạc triển lãm: 15.09.2011 @18:00
Triển lãm mở tới 03.11.2011
Địa điểm: Sàn Art
3 Mê Linh, quận Bình Thạnh,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Trương Công Tùng ít nói nhưng suy nghĩ sâu sắc, nhất là về những cảm nhận không gian cả về mặt tâm lý lẫn sinh lý. Không gian của trí óc cũng là một không gian vật chất. Quan tâm đến ‘không gian’ như một địa bàn được quản lý bởi tham vọng con người, bất kể bởi chính phủ, gia đình, đến bản thân cái tôi của mỗi người, triển lãm đưa chúng ta vào cuộc hành trình khám phá cách anh giải mã hai không gian tồn tại song song này. Từ học chuyên sâu ngành sơn mài Việt Nam, Tùng đạt được khả năng thao túng màu sắc một cách tinh tế, đưa màu sắc trên bề mặt tranh đến một trạng thái gần như trong suốt. Tác phẩm của anh dù trên giấy, vải bố hay trên gốm sứ đều có một sức căng giữa đường nét và màu sắc khi chúng múa theo những ẩn dụ khác nhau.

Trong loạt tranh ‘anh em như thể tay chân’ màu bột goache gần như biến thành những chất lỏng chứa trong từng hình thể. Như thể trong bột màu chứa những độc tố trắng, giống như trạng thái thừa bạch cầu trong máu ở cơ thể người. Ở đây những đốm trắng lấn chiếm không gian, như một triệu chứng dị ứng. Trong ‘khắc xuất, khắc nhập’ ngôi nhà bị chẻ làm đôi và ở chỗ đứt rời nét cọ trở nên cấp bách, gợi đến một kẻ xâm lược vô hình. Ba tác phẩm này cho ta cảm giác bị cầm giữ từ bên trong, bị cho vào một không gian ngày càng bị quấy nhiễu. Tùng nói đến quan tâm của anh về những bài viết của Soren Kierkegaard, một nhà triết học Đan Mạch thuộc giữa thế kỷ 19, người được biết đến như người tiên phong của những tư tưởng hiện sinh. ‘Chủ nghĩa hiện sinh’ là những nghiên cứu triết học về tình trạng con người, về tình cảm và hành động của mỗi cá nhân, về những trách nhiệm và suy nghĩ liên quan đến ý nghĩa cuộc sống. Chủ nghĩa hiện sinh chú tâm vào những giá trị chủ quan của con người như sự tự do, cảm giác tội lỗi hoặc nuối tiếc, khác với những nghiên cứu khoa học hay ngôn ngữ. Khi được hỏi cái gì hấp dẫn anh trong những bài viết của Kierkegaard, Tùng nói vì “đề tài trung tâm của Kierkegaard là ‘tồn tại’. Với tư cách là con người thì hiện sinh là gì? Ông bị ám ảnh việc tất cả chúng ta tồn tại trong thời gian và không được lâu dài. Điều đấy khiến cho toàn bộ tư tưởng về hiện sinh của chúng ta cấp bách hơn. Ta có thể đi qua cuộc đời bằng cách tránh nghĩ về tất cả các vấn đề đó, vẫn có thể sống được bằng cách sao chép lại những gì mọi người làm, thực hiện. Nhưng như thế ta đã không hiện sinh với tư cách một cá nhân. Nhưng nếu thực sự tồn tại ta sẽ phải đối mặt với những chân lý cơ bản về ‘thân phận con người’ và phải quyết định trách nhiệm của ta là như thế nào.’ *

Đối với Tùng, sáng tác là một cách để xem xét khám phá những ranh giới xung quanh mình. Những tác phẩm của Tùng từ sáng tác trên giấy ngày càng phát triển về kích cỡ và chất liệu, những câu hỏi của bản thân dần trở thành những tấm bản đồ bằng sơn dầu trên vải bố. Trong những sáng tác bùng nổ này màu sắc và những đường nét gãy khúc xuất hiện, gợi đến ngôn ngữ trong bản đồ, đặc biệt những đường kẻ vàng tượng trưng cho xa lộ. Nếu nhìn chúng theo cách xem xét một địa hình từ trên cao nhìn xuống, những đường gãy khúc này đan xen giữa những lớp sơn có thể gần giống như ranh giới phân chia giữa đồng quê Việt Nam và sự bành trướng của những đô thị. Với tựa đề ‘Đồ thị’, những bức tranh này còn nói đến những chuyển biến chính trị khiến cho ranh giới giữa các nước thay đổi hoặc có tranh chấp. Ờ đây anh muốn nói đến cụ thể là những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về quần đảo Trường Sa.

Tùng lớn lên ở Buôn Hồ, Daklak, một thị trấn nhỏ ở vùng cao nguyên Việt Nam. Anh là con đầu lòng, trước 4 em trai, trong một gia đình làm nông. Tùng chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh một mình lúc 18 tuổi và bị sốc bởi kích thước và sự xô bồ của thị thành, từ con người đến kiến trúc nhà cửa, đồng thời cũng có ấn tượng mạnh về cơ chế sống ở đây – những con người vật lộn với cuộc sống, cách vật liệu được thao túng, những hệ thống bị lũng đoạn bởi tham nhũng và cách chúng ảnh hưởng lên cảnh quan thành phố. Trong loạt tranh ‘Đồ thị’, Tùng cố gắng tìm điểm tiếp giáp giữa những ‘giới hạn’ anh cảm nhận thấy về mặt tâm lý trong cuộc sống đô thị với những mối đe dọa từ sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp và những tham lam vật chất. Tùng thừa nhận tiếng Anh của mình kém và khối lượng thông tin tài liệu ở Việt Nam còn ít, ví dụ như những tài liệu về văn hóa đương đại thế giới. Bức xúc với những giới hạn này lẫn với nỗi lo rằng hoàn cảnh này sẽ sinh ra sự thiếu hiểu biết và cách nhìn hẹp hòi trong xã hội Việt Nam. Khi được hỏi việc gì khiến anh chuyển qua thử nghiệm với sơn dầu Tùng nhắc đến họa sỹ Scốtlen Peter Doig là một trong những ảnh hưởng lớn cho mình. Những bức tranh trừu tượng của Peter Doig đã từng được triển lãm cá nhân tại Tate Britain (2008) và Bảo tàng Hiện đại Paris (2009). Tùng bắt gặp sáng tác của ông qua giới thiệu của một người bạn và ngay lập tức có ấn tượng mạnh bởi cách thể hiện địa hình một cách trựu tượng của ông, nhưng hơn cả là cách Doig diễn giãi những sáng tác của mình không nhằm thể hiện thế giới vật chất.

Có thể từ đấy cách Tùng thử nghiệm với gốm sứ đi vào khám phá tiềm năng rộng lớn của trí tưởng tượng, nơi những phi hành gia đứng trên những khán bục được dựng nổi lên giữa không gian lơ lửng. Trong loạt tác phẩm tựa ‘phi hành gia’ này, những địa bàn không tên hiện ra một cách mờ ảo với đường nét nhập nhòa, như những ảo ảnh còn sót lại khi ta thức giấc sau một cơn mơ. Tùng nói ‘Tôi thích thú với việc vẽ cùng lúc một sự vật và cố gắng giãi bày nó theo nhiều cách khác nhau. Việc lặp đi lặp lại 1 sự vật cũng giống như việc có cơ hội thứ 2 để lựa chọn cái ta muốn bù lại cái đã mất đi. Đồng thời lặp lại cũng nói về sự không chắc chắn của chúng ta về cái chúng ta chọn. Bậc thang lấy ý tưởng từ bục vinh quang trong một trận đấu hay trò chơi mà người thắng sẽ được vinh danh. Trở thành biểu tượng của sự chinh phục, quyền lực và sự phân chia cấp bậc trong trò chơi toàn cầu. Con người đứng trên bục cao với đôi cánh giang rộng là sự lai tạo với cánh tay của chúa, rô bốt…. thành một chủng loài mới với đôi cánh và sức mạnh vượt trội của một siêu nhân.’ Gốm sứ cũng là một chất liệu dễ vỡ nhưng lại bền theo thời gian. Có gì đấy thật phù hợp khi những tìm tòi về thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm của Tùng được thể hiện trên gốm, vật liệu có tính chất có thể coi như là tương tự tâm hồn người. Trương Công Tùng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. ‘Trên trời, dưới biển’ là triển lãm cá nhân thứ hai của anh.

Zoe Butt

(Đoạn phỏng vấn qua email giữa Zoe Butt và Trương Công Tùng, Tháng 8 năm 2011)